DẠY TRẺ VỀ TIỀN BẠC

Ảnh: "Cô ơi, bán cho cháu 2 quả hồng ngâm với 1 quả thanh long nhé!"

(Giờ hoạt động trải nghiệm ở lớp Green Bud)

Trẻ cần được dạy về vấn đề tiền bạc - hàng hoá ngay từ khi các con bắt đầu biết đếm.

1. Tiền để tiêu, tiết kiệm và chia sẻ
Khái niệm đầu tiên - tiền dùng để mua hàng hóa - là khái niệm đơn giản nhất. Tuy nhiên để bé biết giữ tiền và để dành thì khó hơn một chút; và chia sẻ thì... là cả một quá trình lâu dài nhưng cần thiết - không một bài học về đồng tiền nào là hoàn chỉnh nếu như bạn quên dạy bé biết chia sẻ với người khác.
Một chú heo đất xinh xinh có thể giúp bé làm quen và thực hành cả ba khái niệm trên. Bố mẹ có thể dùng một chú heo đất xinh xinh, hay một cái ví dễ thương hình mèo Kitty, hoặc cùng bé tự trang trí nơi cất giữ “của cải”. Một số chuyên gia khuyên bạn nên giúp bé chia số tiền bố mẹ cho hàng tuần thành ba phần - một để tiết kiệm, một để tiêu dùng, một để quyên góp và giúp đỡ người khác.

2. Tiền có giới hạn
Trẻ con thường cho rằng tiền là vô tận, chẳng phải chúng vẫn mọc ra trong ví của bố mẹ đó sao, chẳng phải mỗi khi bé có nhu cầu gì thì bố mẹ vẫn lấy tiền trong ví ra đó sao?
Để con hiểu được rằng “đồng tiền đã tiêu là đồng tiền đã hết”, cách tốt nhất là bạn hãy để bé dùng tiền trong những hoạt động thường ngày. Cho bé “quyền” trả tiền sau khi cùng bố mẹ đi cửa hàng hay siêu thị và mua một món đồ nho nhỏ mà bé thích. Có thể ban đầu bé sẽ ngạc nhiên vì không thể dùng đồng tiền đó để mua một món đồ khác, hay bố mẹ không đưa thêm tiền khi bé thay đổi ý muốn và muốn mua một món đồ khác. Nhưng dần dà bé sẽ hiểu được thôi.
Và vì tiền có giới hạn nên bé phải học cách lựa chọn. Đây là bài học mà đến cả người lớn nhiều khi còn cảm thấy khó khăn, nên đừng trông chờ một đứa bé mẫu giáo hiểu được ngay và đầy đủ. Bạn có thể bắt đầu bài học này bằng cách cho con một khoản tiền nhỏ mỗi tuần và cho bé tự quyết định dùng vào việc gì (tất nhiên là khi được sự cho phép của bố mẹ). Nếu bé quyết định dùng hết ngay trong ngày đầu tiên vào một món đồ chơi, mà thường là như thế, thì những thứ hấp dẫn của những ngày sau coi như chỉ để ngắm mà thôi.

3. Nên tập thói quen tiết kiệm
Từ những bài học trên, bé nên được dạy thêm về tiết kiệm. Các chuyên gia đều thống nhất là khi trẻ lên 4 hoặc 5, bạn đã có thể dạy con tiết kiệm bằng cách giúp bé cất giữ tiền để dành cho một “mục tiêu”, như một món đồ chơi chẳng hạn.

4. Không tin quảng cáo
Lại là một bài học nữa mà phải khá lâu bé mới có thể ngấm được, nhưng ít nhất hãy gieo hạt giống đó khi con còn nhỏ. Thật khó để bé hiểu được rằng sản phẩm trên quảng cáo thường long lanh và đẹp đẽ hơn, để mời gọi mọi người mua những thứ mà có thể họ không thật sự cần đến. Tốt nhất là nên hạn chế cho bé xem quảng cáo, và xem TV nói chung.

5. Dạy con cách nói về tiền
Trẻ con có thể ngây thơ đưa ra những câu hỏi "đau hết cả đầu", như nhà của ai đó bao nhiêu tiền, hay ai đó kiếm được bao nhiêu tiền chẳng hạn, dù thật ra chúng thường chẳng có khái niệm gì về những con số ấy cả. Hãy từ tốn giải thích cho con hiểu rằng hỏi người khác kiếm được bao nhiêu tiền hay tiêu bao nhiêu tiền là không lịch sự đâu.

6. Khi dạy con, bạn hãy nhớ:
Làm cho "bài học" thật vui: Bạn có thể dạy con bằng một trò chơi, bài hát, sách tô màu hay những chú heo đất xinh xắn. Đồng thời cũng không nên quá nặng nề mà chỉ nên nhẹ nhàng, vì mục tiêu hiện giờ của ta chỉ nhằm giúp bé hiểu được những khái niệm về đồng tiền, giá trị và cách sử dụng chúng mà thôi.

Tận dụng cơ hội: Những hoạt động hàng ngày của gia đình đều là những cơ hội để dạy con về đồng tiền. Chẳng hạn ở cửa hàng, bạn có thể dạy con bằng việc làm một danh sách những thứ cần mua và tiết kiệm tiền bằng cách không mua những thứ không cần thiết chỉ vì chúng đẹp đẽ hút mắt. Ở ngân hàng, bạn có thể nói với bé về việc bạn gửi tiền vào tài khoản để dành tiêu sau này.

Đơn giản thôi, và đừng nóng vội: Bé sẽ dần dần hiểu thêm được về thế giới khi lớn lên, vậy nên bạn đừng cố nhồi nhét cho con mình quá nhiều thông tin.

Đây chỉ là những bài học đầu tiên nhất để bé có thể tự tin hơn với những kỹ năng sống được trang bị đầy đủ !